Thờ cúng gia tiên là một phong tục truyền thống được người Việt gìn giữ qua hàng ngàn năm nay. Vì thế, không gian thờ cúng luôn là nơi linh thiêng nhất. Việc lau chùi đồ thờ bằng đồng trên bàn thờ gia tiên trong những dịp đón Tết cũng cần phải cẩn thận và tuân thủ một số nguyên tắc nhất định. Dưới đây là 5 sai lầm nghiêm trọng mà mỗi gia đình không nên mắc phải khi lau dọn bàn thờ Tết để tránh gặp họa.
Sai lầm 1: Chỉ được thay tro bát hương vào thời điểm 23 tháng Chạp?
Nhiều gia đình Việt vẫn giữ quan niệm là chỉ được lau dọn bát hương đúc đồng vào những ngày từ 23 đến 29 tháng Chạp Âm Lịch. Bởi vì người ta cho rằng thời điểm này ông Táo đang vắng nhà, việc dọn dẹp bàn thờ, bát hương lúc này là thích hợp nhất để ông Táo luôn hài lòng khi trở về.
Tuy nhiên, đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Bàn thờ là nơi linh thiêng, nên con cháu cần phải giữ cho khu vực này luôn sạch sẽ, trang nghiêm, Vì thế, bất cứ khi nào nơi này không được sạch sẽ, con cháu đều có thể dọn dẹp mà không cần đợi đến dịp lễ Tết.
Còn vấn đề dọn dẹp bàn thờ ngày 23 tháng Chạp thì sao? Vào 23 tháng Chạp, việc dọn dẹp bàn thờ, bát hương cần phải được chú trọng hơn cả ngày thường. Bạn cần phải tắm rửa sạch sẽ, dâng hương xin phép tổ tiên mới được lau dọn bàn thờ, thay tro cho bát hương.
Sai lầm 2: Đặt bát hương chông chênh, đặt đâu cũng được?
Một bàn thờ đúng chuẩn phải có ba bát hương, trong đó bát hương to nhất ở giữa phải là bát hương thờ thần linh, thổ công, thổ thần… Còn hai bát còn lại sẽ dùng để thờ Bà Cô, Ông Mãnh và gia tiên của gia đình.
Bát hương là vật linh thiêng, được coi như cầu nối giữa con cháu và ông bà, thần phật và là nơi để người còn sống bày tỏ lòng thành kính với những bậc đi trước. Vì thế, không thể đặt bát hương một cách sơ sài, chông chênh và phải đặt ở giữa, phía trước bàn thờ.
Sai lầm 3: Có nên dùng bát hương bằng đá?
Bát hương thường được làm bằng sứ, với gia đình có điều kiện sẽ đầu tư vào bát hương đúc đồng. Bạn cần tránh tuyệt đối việc dùng bát hương bằng đá trên bàn thờ gia tiên của gia đình. Bát hương bằng đá chỉ phù hợp với các đền thờ, miếu, chùa…
Sai lầm 4: Có được xê dịch bát hương hay không?
Bát hương như đã nói trên là một vật linh thiêng, vì thế nó cần được để nguyên và tuyệt đối không tùy tiện di chuyển nó trên bàn thờ. Đây được xem là hành động bất kính đối với tổ tiên.
Khi rút chân hương, cần là người nhà thực hiện và người đó phải đảm bảo tay luôn sạch sẽ. Bạn nên rút một cách từ từ và để lại số chân hương trong bát là số lẻ. Chân hương đã rút đem hóa tro rồi chôn gốc cây hoặc thả sông, suối.
Sai lầm 5: Dùng cát bỏ vào bát hương?
Nhiều gia đình sử dụng cát trắng để bỏ vào bát hương. Tuy nhiên, hành động này được coi là không nên và nó có thể khiến gia đình gặp nhiều lục đục cũng như những điều không may mắn trong cuộc sống. Tốt nhất gia đình bạn nên dùng tro sạch, đốt từ rơm nếp hay rơm tẻ sạch và sàng lọc kỹ trước khi bỏ vào bát hương.
Đó là 5 sai lầm nhiều gia đình vẫn mắc phải nhưng không hề hay biết. Việc lau dọn đồ thờ bằng đồng không đúng cách đôi khi sẽ đem lại nhiều xui xẻo, tai ương cho gia đình. Vì thế, bạn chớ nên qua loa trong vấn đề này nhé!